Đang gửi...

Chiến lược Thị trường chứng khoán năm 2019

Chiến lược Thị trường chứng khoán năm 2019

Các chỉ số thị trường đang test lại những ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Những dự báo cho thấy khả năng có rung lắc và biến động mạnh là khá cao.

I. PHÂN TÍCH DỮ LIỆU & DỰ BÁO ĐỊNH LƯỢNG

Biến động của các yếu tố vĩ mô

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm 2018 tăng trưởng 7.08%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3.76%, đóng góp 8.7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8.85%, đóng góp 48.6%; khu vực dịch vụ tăng 7.03%, đóng góp 42.7%.

Đây là mức tăng cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đến nay. Mặt khác, năm 2018 cũng ghi dấu ấn một lần hiếm hoi tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt qua được Trung Quốc. Điều này sẽ tác động mạnh đến các nhà đầu tư trên thị trường.

Tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người giai đoạn 2008-2018

Nguồn: VietstockFinance

Chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tính theo MoM đã liên tục duy trì mức âm trong hai tháng liên tiếp (tháng 11/2018 và tháng 12/2018). Tính theo YoY, CPI chỉ tăng 2.98% nên không đáng lo ngại.
Như vậy, năm 2018 được coi là năm thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát. Dự kiến điều này sẽ được tiếp tục phát huy trong năm 2019.

Nguồn: VietstockFinance

Tỷ giá trung tâm tăng đều trong năm 2018. Tháng 04/2018 và tháng 12/2018 là những tháng có mức tăng trưởng đáng kể nhất. Theo dự báo của mô hình định lượng thì xu hướng này sẽ còn tiếp diễn và tỷ giá trung tâm có thể vượt mức 23,000 VNĐ/USD trong vòng 6 tháng tới. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) dự kiến sẽ không có đột biến trong 6 tháng tới và tăng trưởng với tốc độ khoảng 2% trong ngắn hạn.

Trong vòng 8 tháng gần nhất thì có đến 6 tháng cán cân thương mại bị âm. Dự kiến tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn nhưng sẽ chấm dứt kể từ tháng 03/2019.

Tổng vốn FDI giải ngân đạt mức 19.1 tỷ USD, tăng 9.14% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, mức giải ngân chỉ bằng khoảng 53.86% so với mức đăng ký. Điều này phần nào cho thấy công tác thu hút FDI trong thời gian qua thiếu sự chọn lọc và tập trung vào số lượng mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng dự án. Có không ít dự án FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ để chiếm đất là chính và không có khả năng triển khai dự án.

Nguồn: VietstockFinance

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nhiều khả năng sẽ vượt mức 400 ngàn tỷ VNĐ ngay trong Quý 1/2019. Đây được coi là một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. 

Bảng dự báo định lượng các yếu tố vĩ mô

Nguồn: VietstockFinance

Biến động các nhóm vốn hóa

Quan sát thống kê tăng/giảm của các nhóm vốn hóa, chúng ta có thể nhận thấy nhóm VS-Large Cap đang “dẫn đầu” quá trình giảm giá trên thị trường.

VS-Micro Cap tiếp tục cho thấy sự vượt trội khi có 6 tháng tăng trưởng liên tiếp. Điều này chứng tỏ xu hướng dịch chuyển của giới đầu tư từ các cổ phiếu lớn sang nhóm cổ phiếu nhỏ có mức định giá hợp lý đang diễn ra.  

Bảng thống kê tăng/giảm của các nhóm vốn hóa

Nguồn: VietstockFinance

II. CHIẾN LƯỢC THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Các vùng hỗ trợ mạnh đang ở rất gần và kết quả test các ngưỡng này sẽ đóng vai trò quyết định xu hướng thị trường trong thời gian tới.

VN-Index đang test vùng 880-900 điểm. Đây là vùng giá có tính chiến lược quan trọng nhất trong ngắn hạn cũng như dài hạn của VN-Index. Nếu vùng này thủng hoàn toàn trong thời gian tới thì theo nguyên lý đối xứng (symmetry) thì VN-Index có thể rơi xuống đến vùng mục tiêu 800-820 điểm.

Nguồn: VietstockUpdater

HNX-Index cũng có bài test vô cùng quan trọng với đường trendline dài hạn (tương đương vùng 99-101 điểm). Chỉ báo MACD cũng vừa rơi xuống dưới ngưỡng 0 sau khi cho bán trở lại nên rủi ro tăng lên trong ngắn hạn. Vì vậy, nguy cơ HNX-Index phá vỡ trendline dài hạn là khá cao. 

Nguồn: VietstockUpdater

Các dự báo định lượng cũng cho thấy sự thận trọng là cần thiết trong vòng 6 tháng tới trên cả thị trường chứng khoán cơ sở và phái sinh. Đối với thị trường phái sinh thì các vị thế short vẫn đang được ủng hộ mạnh mẽ.

Bảng dự báo định lượng thị trường cơ sở và phái sinh

Nguồn: VietstockFinance

Trích nguồn: Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư Vấn Vietstock