Diễn biến dịch Covid-19 diễn ra quá nhanh và lan rộng từ đầu tháng 2/2020 đến nay đã làm thay đổi hoàn toàn bức tranh kinh tế toàn cầu. Từ việc nguồn dịch được phát hiện ở tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc, rồi lan rộng ra hơn 60 quốc gia ở các châu lục đã khiến việc kiểm soát càng ngày khó khăn hơn.
Nỗi lo về gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng tăng cao khi công xưởng của thế giới phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh được coi là tồi tệ nhất từ trước tới nay. Nếu tính theo sức mua ngang hàng, Trung quốc chiếm khoảng 1/5 GDP toàn cầu, năm 2019 đạt hơn 14,360 tỷ USD. Đồng thời, với hơn 68 triệu lượt khách Trung Quốc đi du lịch vào năm ngoái, cho thấy các quốc gia đang phải chuẩn bị cho sự sụt giảm mạnh đến ngành du lịch, dịch vụ và sản xuất đến mức nào. Việc các quốc gia bị gián đoạn nguồn cung, chủ yếu diễn ra ở mắt xích Trung Quốc trong tâm điểm dịch bệnh Covid-19, càng củng cố quyết tâm đa dạng hóa chuỗi cung cấp của các nước phát triển. Theo đó, tạo cơ hội cho các quốc gia đang phát triển có nhân công giá rẻ và cơ sở hạ tầng phát triển đón luồng vốn đầu tư trong thời gian tới.
Việt Nam cho thấy đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 lan rộng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng lên kế hoạch ứng phó với sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế trong và sau khi đại dịch qua. Cụ thể, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã xây dựng 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2020 lần lượt là 6.25 và 6% trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý 1 và 2. Các giải pháp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp được nghiên cứu triển khai, trước mắt là mặt bằng lãi suất từ các ngân hàng lớn sẽ giảm khoảng 0.5-1%, các gói tín dụng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng với tổng giá trị hơn 250,000 tỷ đồng.
Diễn biến TTCK trong 2 tháng đầu năm 2020
Nguồn: vietstock.vn
Ngay khi thông tin dịch bệnh Covid-19 được ban bố , thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu đã suy giảm rất mạnh, chỉ số DJ, Nikkei, Hangsheng… đều rơi từ 7-8% tính từ đầu năm đến đầu tháng 3/2020. Ở trong nước, không chỉ các nhà đầu tư cá nhân khá bất ngờ mà các quỹ đầu tư cổ phiếu cũng chịu chung hoàn cảnh, đặc biệt là các quỹ không đủ linh hoạt khi giảm tỷ trọng đầu tư cũng như cơ cấu lại danh mục để giảm tỷ trọng các cổ phiếu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch. Thành tích yếu kém của các quỹ mở cổ phiếu cũng không nằm ngoài dự đoán khi hàng loạt tên tuổi lớn đều có mức giảm trung bình tới 3.5% trong 2 tháng đầu năm. Mặc dù so với mức giảm 8.2% của chỉ số VN-Index thì các quỹ đầu tư vẫn cho thấy khả năng kiểm soát tốt hơn hẳn. Tuy nhiên, với chiến thuật đầu tư phù hợp và khả năng quản trị rủi ro tốt hơn, một số quỹ mở đầu tư cổ phiếu lại có khả năng bảo toàn vốn cho nhà đầu tư trong giai đoạn này, có thể nói là một điểm sáng hiếm hoi trên thị trường, mà điển hình là hai Quỹ mở đầu tư cổ phiếu của MB Capital và Quỹ đầu tư bảo toàn vốn của công ty QLQ VFM.
Nguồn: vietstock.vn
Đâu là cơ hội bảo toàn tài sản và nắm bắt cơ hội tăng trưởng?
Rủi ro lớn nhất hiện nay chính là sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu sau giai đoạn tăng trưởng dài kỷ lục. Các quốc gia lớn trên thế giới đang cùng chung tay nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế, điển hình là Mỹ đã hạ lãi suất 0.5% trước khi cân nhắc đưa lãi suất cho vay giảm về mức khủng hoảng kinh tế 2008. Việc Fed dẫn đầu cắt giảm mạnh lãi suất khá quan trọng đối với tăng trưởng toàn cầu, khi sự kiện này có thể mở ra làn sóng cắt giảm lãi suất cho các nền kinh tế phát triển khác. Đặc biệt, đối với các quốc gia có mức lãi suất âm như Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU), sự kiện cắt giảm này của Fed sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia này giảm lãi suất dưới áp lực nhẹ nhàng hơn.
Chính sách tiền tệ và TTCK luôn vận động tương đồng bởi chính sách này có mức độ tác động nhanh trong khi TTCK lại là hàn thử biểu đi trước của nền kinh tế. Với mức cắt giảm mạnh các lãi suất chính nhằm giảm chi phí vốn cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ của các doanh nghiệp, giúp khả năng hồi phục sản xuất mạnh mẽ được kỳ vọng sẽ diễn ra vào quý 2/2020.
Các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn có thể đẩy mạnh mua cổ phiếu trong thời điểm giá cả hàng hóa và sản phẩm tài chính đang ở mặt bằng khá rẻ nhằm tích lũy tài sản ở vùng giá hợp lý. Đồng thời, các nhà đầu tư có thể cân nhắc mua chứng chỉ quỹ mở, ủy thác tài sản vào những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp như các công ty QLQ có khả năng quản trị và bảo toàn vốn tốt nhất nhằm giảm thiểu rủi ro và nắm bắt được cơ hội khi thị trường phục hồi và bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Nguồn: vietstock.vn >> Xem thêm tại đây