(ĐTCK) “Những năm qua, ngành quản lý quỹ (QLQ) đã có những bước tiến đáng kể, hoạt động chuyên nghiệp và ngày càng phát triển theo chiều sâu. Đến nay, thị trường có 43 công ty QLQ, với tổng số vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng và đang quản lý khối tài sản ủy thác khoảng 107.000 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cuối năm 2013…”, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chia sẻ với ĐTCK.
Cùng với sự phát triển 15 năm của TTCK Việt Nam, “vốn liếng” của toàn bộ ngành QLQ Việt Nam đã có những gì, thưa ông?
Ngành QLQ Việt Nam bắt đầu hình thành từ tháng 7/2003, với sự ra đời của Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (giữa Dragon Capital và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín). Tại thời điểm ban đầu, công ty QLQ được thực hiện các nghiệp vụ: quản lý danh mục đầu tư, QLQ đầu tư chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán. Những nghiệp vụ này không được ghi trong giấy phép hoạt động như hiện nay. Mức vốn pháp định của công ty QLQ tại thời điểm đó là 5 tỷ đồng, từ năm 2007 tăng lên 25 tỷ đồng.
Đến năm 2013, TTCK đã có khung pháp lý cho các sản phẩm quỹ đầu tư chứng khoán hiện đại, rất mới ở Việt Nam như: quỹ mở, quỹ hoán đổi danh mục (ETF), quỹ bất động sản (REITS)...
Đặc biệt, nếu như trước năm 2012, thị trường chỉ có các quỹ đóng, quỹ thành viên hoạt động kém linh hoạt, thì nay đã được thay thế bằng các sản phẩm quỹ đầu tư mới, hiện đại, theo thông lệ quốc tế như: quỹ mở, quỹ ETF. Hiện thị trường đã có 26 quỹ đầu tư, gồm 15 quỹ mở, 2 quỹ ETF, 8 quỹ thành viên, 1 quỹ đóng. Đến tháng 12/2014, thị trường có 43 công ty QLQ, với tổng số vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng và đang quản lý khối tài sản ủy thác khoảng 107.000 tỷ đồng (giá trị quản lý quỹ khoảng 7.000 tỷ đồng, giá trị quản lý danh mục đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng), tăng 13,9% so với cuối năm 2013.